Lượt xem: 2664

Thực hành tiêu chuẩn đảng viên theo Điều lệ Đảng

Tiêu chuẩn đảng viên là những chuẩn mực cơ bản về phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực của người đảng viên, là tiêu chí phân định giữa đảng viên và quần chúng; là cơ sở để đánh giá chất lượng đảng viên; là căn cứ để tiến hành mọi mặt công tác đảng viên, giúp Đảng có căn cứ để xây dựng đội ngũ đảng viên trong sạch, vững mạnh, đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng. Mọi đảng viên phải dựa vào tiêu chuẩn đảng viên để rèn luyện, phấn đấu.

    Hiện nay, tiêu chuẩn đảng viên được xác định: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng”[1].


Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng, nhiệm kỳ Đại hội XII - ảnh soctrang online.

    Như vậy, tiêu chuẩn đảng viên có thể hiểu là chuẩn mực cơ bản, tối thiểu về phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực của người đảng viên - những nguyên liệu tạo nên “chất của người đảng viên”. Đó cũng là căn cứ để xem xét, kết nạp hoặc đưa những đảng viên không còn đủ tiêu chuẩn ra khỏi Đảng. Chất lượng đội ngũ đảng viên là chất liệu tạo lên sức mạnh của Đảng. Do đó, tiêu chuẩn đảng viên chỉ thể hiện đúng chất lượng thật của đội ngũ đảng viên với điều kiện những tiêu chuẩn đó được chính mỗi tổ chức đảng thực sự coi trọng và nghiêm chỉnh thực hành trong thực tiễn - nếu không như vậy, tiêu chuẩn sẽ trở thành hình thức.

    Lịch sử đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam có những giai đoạn phải hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn và từng phải chịu đựng không ít tổn thất, nhưng Đảng đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang lãnh đạo thành công cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc; ở từng thời điểm, trong Đảng cũng có những phần tử thoái hóa, biến chất thậm chí phản bội. Nhưng do biết dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, được nhân dân tin cậy và hết lòng ủng hộ; do đa số đảng viên và cán bộ lãnh đạo có phẩm chất và trí tuệ ngang tầm với vai trò mà Đảng được lịch sử giao phó; đã phát huy được sức mạnh đoàn kết để khắc phục được những khuyết điểm và ngày càng vững mạnh hơn.

    Trên chặng đường gần 90 năm đã qua, nhiều vấn đề mới, thách thức đặt ra với Đảng. Trong đó, tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, dẫn tới nguy cơ làm cho Đảng suy yếu, mất quyền lãnh đạo. Đây chính là một nguyên nhân cơ bản, chủ yếu nhất dẫn tới giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng, dần mất đi vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Để khắc phục, đã có nhiều chủ trương được đề ra, nhiều nghị quyết được ban hành, nhưng số cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên thực sự phát huy đầy đủ vai trò lãnh đạo hiệu quả chưa cao, thực hiện trách nhiệm nêu gương còn hạn chế, việc tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Mặt khác, một trong những nguyên nhân được nêu ra theo cách đánh giá có tính tương đối, là lấy yêu cầu, nhiệm vụ để đo chất lượng đảng viên - bằng cụm từ “bất cập”. Do đó, việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định về tiêu chuẩn đảng viên là nhiệm vụ cần được coi trọng đúng mức.

    Như đã trình bày, trong Điều lệ Đảng hiện hành, tiêu chuẩn đảng viên chưa được nêu thành một đề mục riêng. Nội dung cơ bản tại Điều 1 của Điều lệ Đảng chỉ nêu khái quát, hàm chứa những nét cơ bản về tiêu chuẩn đảng viên (những điều đảng viên cần phải có). Do vậy, tiêu chuẩn đảng viên cần được trình bày tách bạch và đầy đủ hơn trong Điều lệ Đảng, cụ thể: Điểm 1 nêu rõ những tiêu chí để xác định tiêu chuẩn đảng viên; Điểm 2 nêu điều kiện cơ bản, chung nhất để trở thành đảng viên (những điều kiện đặc thù cho từng đối tượng cụ thể sẻ được quy định trong các văn bản của cấp có thẩm quyền thấp hơn Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc, ví dụ như: Người có quan hệ với người nước ngoài, người theo tôn giáo…).

    Xác định đúng tiêu chuẩn đảng viên bảo đảm cho Đảng luôn giữ được bản chất giai cấp công nhân và tính tiền phong, giúp Đảng có căn cứ để xây dựng đội ngũ đảng viên trong sạch, vững mạnh, làm cơ sở để xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng có đủ phẩm chất và năng lực ngang tầm nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Về nội dung tiêu chuẩn cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, nên chăng cần nhấn mạnh đảng viên phải là người có năng lực lãnh đạo? Cùng với đó, để khắc phục tình trạng trong một số văn bản sử dụng những khái niệm chưa được xác định của cấp có thẩm quyền, do vậy, nội hàm khái niệm “tiêu chuẩn đảng viên” và “tư cách đảng viên” cần được minh định trong Điều lệ Đảng.

    Tình hình và nhiệm vụ cách mạng luôn vận động, phát triển, đòi hỏi tiêu chuẩn đảng viên cần được bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp. Nhận thức được điều đó, thời gian qua các cấp uỷ đảng đã quán triệt và tổ chức cho đảng viên thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 1, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời, trên cơ sở tiêu chuẩn đảng viên mà Điều lệ Đảng quy định, các cấp ủy đảng ở các loại hình tổ chức cơ sở đảng tích cực cụ thể hoá tiêu chuẩn đảng viên cho phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương và đơn vị. Trong đó, cần chú trọng đến các yếu tố cụ thể, như: Sự giác ngộ, lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị; tính tiền phong gương mẫu; ý thức trách nhiệm, chấp hành kỷ luật; năng lực thực hiện nhiệm vụ; tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình; đạo đức, lối sống; thái độ và cách ứng xử trong các mối quan hệ xã hội, công tác, quan hệ lợi ích; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc cụ thể hoá mới chỉ dừng lại ở một vài tiêu chí về điều kiện đối với một số đối tượng cụ thể, như: Về trình độ học vấn, không thuộc diện hộ nghèo, việc thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong việc bảo toàn vốn, bảo vệ môi trường,…


Tỷ lệ đảng viên, quần chúng trong các doanh nghiệp tham gia học tập, quán triệt nghị quyết ngày càng cao - ảnh soctrang online. 

    Việc tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các văn bản về tiêu chuẩn đảng viên là vấn đề căn cốt và cần thiết, nhưng vấn đề chủ yếu cần chú trọng và cấp bách đó là mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và từng đảng viên thực sự coi trọng và nghiêm túc thực hiện tiêu chuẩn đề ra. Bởi, việc kết nạp đảng viên không đúng phương châm, chạy theo số lượng, chỉ tiêu mà không coi trọng chất lượng về mặt hình thức thì sẽ làm cho Đảng thêm đông hơn nhưng trong thực tế thì hiệu quả công tác lại không tốt hơn, đó chính là những đảng viên “hữu danh vô thực”, “đảng viên cơ hội” và góp phần làm cho có những tổ chức đảng “đông nhưng không mạnh”. Cùng với đó, có một thực tế rất đáng suy nghĩ là khoảng cách giữa tiêu chuẩn đảng viên được quy định trong Điều lệ Đảng và chất lượng của đảng viên ngoài thực tế có chiều hướng ngày càng nới rộng ra. Điều đó đã được Hội nghị Trung ương 4, khóa XII chỉ ra: “Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”; đồng thời, đã xuất hiện nhiều hơn những hiện tượng đảng viên không tham gia sinh hoạt theo quy định, bị xóa tên trong danh sách đảng viên; đảng viên làm đơn xin ra khỏi Đảng,… Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ về tình trạng này nhưng có thể thấy hệ lụy của vấn đề này đã đặt ra một dấu hỏi rất lớn về sự nhất quán giữa lời nói và việc làm của người đảng viên khi tuyên thệ vào Đảng; làm giảm sút uy tín của tổ chức đảng, hình ảnh người đảng viên trong nhân dân và xã hội.

    Như đã đặt vấn đề, tiêu chuẩn đảng viên được quy định trong Điều lệ Đảng có những điểm cần được nghiên cứu, bổ sung, nhưng đã tạo ra chuẩn mực đúng đắn. Nhưng chất lượng thật của một bộ phận không nhỏ đảng viên có những biểu hiện thấp đi, chứng tỏ trên thực tế, tiêu chuẩn chưa thực sự được coi là chuẩn mực khách quan mà từng đảng viên phải bảo đảm và mỗi tổ chức đảng phải nghiêm chỉnh chấp hành, thực hiện từ việc kết nạp, bồi dưỡng đến đánh giá đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa ra những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng. Nếu điều này không kịp thời được khắc phục thì tiêu chuẩn đảng viên sẽ tiếp tục giảm ý nghĩa, mọi cố gắng bổ sung, hoàn thiện tiêu chuẩn đảng viên cũng sẽ chậm đi vào cuộc sống. Do vậy, thi hành Điều lệ Đảng, thực hiện nghiêm chỉnh tiêu chuẩn là vấn đề quan trọng, cần ưu tiên cấp bách trong vấn đề tiêu chuẩn đảng viên./.
Nguyễn Phi

[1] Đảng Cộng sản Việt nam, Điều lệ Đảng khóa XI, Nxb CTQG - ST, H. 2016, tr. 7.


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 67
  • Hôm nay: 6512
  • Trong tuần: 77,219
  • Tất cả: 11,800,539